“Nhờ có Quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM, người nghèo tụi tôi mới mua được nhà ở hợp pháp”. Không ít người dân bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM sau khi có dư luận cho rằng việc cho phép phân lô tách thửa theo Quyết định 33/2014 tạo ra những phiên bản mới của hình thức phân lô hộ lẻ trước đây.
Yên tâm sống vì mua nhà có giấy tờ
Ông Trần Văn Tôn, quê Thanh Hóa, vào TP.HCM lập nghiệp gần 20 năm. Thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, dành dụm mãi ông mới mua được một căn nhà bằng giấy tay tại xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn (nằm trong 34 điểm phân lô tự phát của địa phương này). Nhà không có giấy tờ nhưng ban đầu gia đình ông rất phấn khởi vì có chỗ ra vào. Thế nhưng một thời gian sau thì nhiều khó khăn phát sinh: Nhà không hợp pháp nên không được cấp giấy, không có số nhà, không xin được điện nước chính, không được nhập hộ khẩu, con cái học hành khó khăn.
Chịu hết xiết, ông quyết định bán nhà, gom hết số tiền 400 triệu đồng sau nhiều năm tích lũy mua miếng đất 80 m2 tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Mảnh đất này được chuyển mục đích và tách thửa theo Quyết định 33, có đường giao thông rộng 8 m, xe hơi ra vào tận nơi, điện nước đầy đủ. Đặc biệt nhất là ông được cấp giấy đỏ cho nền đất này. Mua đất xong, ông xin phép xây dựng nhà một trệt, một lầu, sau khi hoàn công giờ căn nhà đã có giấy hồng.
Xuống nơi ông Tôn ở, chúng tôi thấy đây là một khu dân cư yên tĩnh với vài chục căn nhà, nằm cách đường Hà Huy Giáp không xa, hạ tầng tương đối ổn, đường sá ngang dọc đầy đủ. “Nếu TP không có Quyết định 19/2009 và sau này là Quyết định 33, biết đến khi nào những người lao động nghèo như tôi có được ngôi nhà đàng hoàng, hợp pháp như thế này” - ông Tôn bày tỏ.
Tại phường Thạnh Lộc, quận 12, một dãy nhà liên kế chừng hơn chục căn xây dựng rất khang trang cũng vừa được hình thành. Trước mặt dãy nhà là con đường bê tông rộng 8 m do chủ đầu tư thực hiện. Bên kia đường vẫn còn những thửa ruộng trồng đay đang thu hoạch. Anh Hoàng Minh Thảo, một người mua nhà tại đây, cho hay chủ đất không bán nền mà tách thửa rồi xây nhà để bán.
“Căn nhà của tôi vừa nhà vừa đất có giá 1,1 tỉ đồng. Chỗ này đi hơi xa một chút nhưng nhà đẹp, giá phải chăng. Dù không đủ tiền nhưng nhờ nhà đất có giấy tờ nên tôi có thể thế chấp để vay ngân hàng” - anh Thảo cho biết. Theo anh, đây là ngôi nhà gia đình mơ ước bao năm mới có được, bởi ở khu vực Gò Vấp, Phú Nhuận… nhà nhỏ xíu cũng đã một vài tỉ đồng.
Đặc biệt nhất trong số bạn đọc tìm đến Pháp Luật TP.HCM để chia sẻ suy nghĩ, đề xuất ý tưởng là chị MTTC, một người cũng từng phân lô tách thửa và chuyển nhượng nền đất ở quận Thủ Đức. “Là dân trong nghề nên tôi nắm rõ. Có tình trạng một số công ty mượn người dân đứng tên để xin tách thửa bán nền và làm hạ tầng rất tệ. Đường sá chỉ sau một thời gian là hư hết, rất tội cho người mua sau này” - chị C. bày tỏ.
Theo chị C., có những khu đất lớn hàng ngàn m2 hoặc những khu đất nông nghiệp nhờ nằm trong quy hoạch đất ở nên chủ đầu tư dễ dàng xin chuyển mục đích, đầu tư sơ sài hạ tầng rồi tách thửa bán. Theo chị, đúng ra các cơ quan có thẩm quyền phải đặt mảnh đất xin chuyển mục đích và tách thửa trong toàn cảnh chung của khu vực chứ không nhìn riêng mỗi khu đất đó.
“Nếu mảnh đất nằm giữa khu dân cư hiện hữu thì cho tách thửa theo những tiêu chí của Quyết định 33 là hợp lý. Còn nếu đất trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, xung quanh toàn là đất nông nghiệp thì Nhà nước phải siết chặt hơn về hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, phải yêu cầu chủ đất đầu tư thật bài bản chứ không chỉ làm con đường giao thông tạm bợ, cắm vài trụ điện, lắp cống thoát nước là xem như xong hạ tầng” - chị góp ý.
Cũng theo chị C., trước thực tế nêu trên thì nhận xét năng lực quản lý của địa phương chưa tốt là đúng, lên án những người đầu cơ lợi dụng chính sách để trục lợi cũng đúng luôn. Tuy nhiên, nếu vì những trường hợp không tốt này mà cho rằng chủ trương cho tách thửa theo Quyết định 33 là sai, cần phải dừng là không công bằng và tội cho cả người bán đàng hoàng lẫn người mua.
“Quyết định 33 mang đến cơ hội cho người thu nhập thấp mua đất xây nhà hợp pháp thay vì phải xây lụi, mua giấy tay hoặc suốt đời ở nhà thuê. Còn triển khai thực hiện có kẽ hở nào thì TP cần tìm giải pháp khắc phục. Không thể vì một số nơi làm không tốt mà phủ nhận cả một chủ trương đúng đắn, nhân văn của TP” - chị C. bày tỏ.
Quyết định 33/2014 thay thế Quyết định 19/2009 quy định về diện tích
tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa
bàn TP.HCM. Theo quyết định trên, trường hợp thửa đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố thì vẫn được tách thửa. Trường hợp thửa đất khi tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì chủ đất phải có trách nhiệm đầu tư hoàn thiện, bàn giao và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đó. |
còn nữa để mai cập nhật tiếp cho mọi người
Trả lờiXóa